0936 191 192 Tin tức Hợp tác với chúng tôi

Du lịch khám phá văn hóa địa phương tại Sa Pa

09/04/2024

Nét đặc sắc của du lịch Sa Pa được thể hiện trong kho tàng văn hóa dân gian của từng dân tộc, nó thổi hồn vào du lịch, đưa biết bao người vượt những nẻo đường xa xôi trở về khám phá.

du_lich_Sa_Pa_1

Du lịch Sa Pa – Tìm hiểu văn hóa địa phương và con người Tây Bắc

Không biết từ bao giờ, Sa Pa đã trở thành nơi cư trú lâu đời của các dân tộc thiểu số phía Bắc. Mỗi dân tộc mang một đặc trưng văn hóa rất riêng, được truyền lại từ thuở xa xưa. Tổng hòa các nền văn hóa ấy tạo nên bản sắc độc đáo của vùng đất rẻo cao, thổi một luồng gió mới cho du lịch trải nghiệm, khiến bao người vượt những chặng đường xa xôi tìm về khám phá Tây Bắc.

1. Giá trị văn hóa lịch sử Sa Pa

Sa Pa là một thị trấn vùng cao của tỉnh Lào Cai, phía Tây Bắc của Việt Nam. Nằm ở độ cao khoảng 1.500 m so với mực nước biển, Sa Pa là nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc Kinh, H’Mông, Dao Đỏ, Tày, Xá Phó, Giáy.

Tên gọi Sa Pa bắt nguồn từ tiếng Quan Thoại. Trước đây, người dân địa phương phát âm là Sa Pả hay Sa Pá với ý nghĩa là “bãi cát”. Bởi thị trấn Sa Pa xưa kia chỉ là một bãi cát chủ yếu để người dân họp chợ.

Sau này, người Pháp tiến hành đo đạc và xây dựng bản đồ miền núi phía Bắc. Khí hậu trong lành cùng cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt của Sa Pa đã khiến họ quyết định biến nơi đây trở thành một khu nghỉ dưỡng. Cái tên Sa Pa – theo cách phát âm không dấu của người phương Tây, cứ thế hiện hữu cho đến ngày nay.

Du lịch Sa Pa, du khách không chỉ có cơ hội chinh phục đỉnh Fansipan hùng vĩ, thả hồn trước Cổng trời phiêu lãng hay chiêm ngưỡng núi Hàm Rồng hùng vĩ… Khách du lịch còn rất hứng thú với việc tìm hiểu văn hóa địa phương, các phong tục tập quán đã ghi dấu vào lịch sử Việt Nam từ lâu đời.

2. Du lịch Sa Pa tìm hiểu văn hóa địa phương

Ở Sa Pa, mỗi dân tộc đều có những đặc trưng riêng, dễ nhận biết nhất là về trang phục. Màu sắc sặc sỡ, họa tiết kỳ công trên những bộ trang phục thể hiện đặc trưng về lối sống, tập tục, quan niệm và cả khí hậu nơi họ sinh sống.

2.1. Dân tộc H’Mông

Người H’Mông có số lượng người sinh sống đông nhất ở Sa Pa, chiếm khoảng 52% dân số. Trong văn hóa của người H’Mông đã xây dựng một cơ cấu kinh tế thích ứng với điều kiện tự nhiên không thuận lợi.

du_lich_Sa_Pa_2

Mỗi bộ váy áo còn gửi gắm biết bao ý nghĩa của người H’Mông

Dù sống ở vùng núi non hiểm trở nhưng với kinh nghiệm trồng lúa nước từ nhiều năm, người dân đã tạo nên những thửa ruộng bậc thang độc đáo. Một năm có thể trồng đến 2 vụ lúa hoặc ngô. Ngoài ra, người dân còn kết hợp chăn nuôi và làm tiểu thủ công nghiệp tạo thế “chân kiềng” duy trì sự bền vững kinh tế.

Trang phục của người H’Mông khá đặc biệt. Đàn ông mặc kiểu quần chân què tối màu, cạp rộng lá tọa, đũng quần rất thấp. Khi mặc, cạp quần được dắt sang một bên rồi dùng thắt lưng thắt chặt lại. Phụ nữ mặc váy xếp, áo mở ngực, khăn đội đầu, thắt lưng, tạp dề đằng trước, xà cạp và đồ trang sức.

Quần áo của người H’Mông chủ yếu may bằng vải tự dệt. Chỉ với 4 màu chủ đạo xanh, đỏ, trắng, vàng của chỉ tơ tằm mà họa tiết của trang phục đã tỏa ra muôn sắc màu, tạo cảm giác trầm ấm. Họa tiết thường là hoa văn hình học như hình xoáy ốc, hình thoi, hình vuông, hình chữ thập…

Người H’Mông ăn một ngày hai lần, vào những ngày mùa thì ăn ba lần với thức ăn chính là bột ngô, rau đậu xào mỡ và canh. Trong dịp lễ tết, hay nhà có khách thường được thiết đãi bằng thịt gà và rượu.

Bạn có thể tìm hiểu cuộc sống của người H’Mông tại các bản làng Cát Cát, Lao Chải, Séo Mý Tỷ, Tả Giàng Phình. Đây cũng là nơi diễn ra tục bắt vợ rất phổ biến.

2.2. Dân tộc Dao Đỏ

Người Dao Đỏ có dân số đứng thứ hai sau người H’Mông ở Sa pa. Ngoài làm vải, thêu truyền thống, người Dao Đỏ còn nổi tiếng với nghề chạm bạc. Những đồng xu và quả lúc lắc bằng bạc trắng được gắn lên khăn, lên áo như chứng minh cho tay nghề của nghệ nhân cũng như sự giàu có của người mặc.

du_lich_Sa_Pa_3

Người Dao quan niệm một bộ trang phục đẹp phải bao gồm 5 màu sắc

Phụ nữ Dao Đỏ ở Sa Pa thường mặc áo dài, quần dài. Trên nền vải chàm đen, họ thêu những hoa văn màu vàng ở nẹp áo, viền cổ tay và ống quần. Cùng với thắt lưng vải, họ còn chít eo bằng tấm đai có thêu nhiều chỉ màu đỏ và đính rất nhiều bạc trắng. Nhìn bộ trang phục là thấy sự công phu, nhẫn nại của người phụ nữ.

Với đàn ông, chiếc mũ đội đầu là một dải hoa văn đính 3 đồng bạc và tua cườm. Sau lưng áo của người đàn ông Dao Đỏ là hoa văn chiếc ấn của Bàn Vương - Thủy tổ của người Dao như lời nhắc nhở con cháu về nguồn gốc tộc mình.

Chiếc trống của người Dao Đỏ là loại nhạc cụ được sử dụng phổ biến trong rất nhiều nghi lễ truyền thống. Trống gắn liền với đời sống người dân từ đám cưới, đám tang cho đến lễ Cấp sắc, lễ Pút tồng, Khoi Kìm, Chấu đàng, lễ trừ ma tà... và nhiều nghi lễ khác.

Người Dao Đỏ thường chọn các thung lũng hay lưng chừng núi để dựng nhà để thuận tiện cho việc trồng lúa, ngô và các loại cây ăn quả. Họ sống tập trung đông nhất ở các xã Tả Phìn, Nậm Cang, Thanh Kim, Suối Thầu, Trung Chải.

2.3. Dân tộc Tày

Đây là đồng bào có số dân đông thứ ba tại Sa Pa. Trang phục truyền thống của người Tày khá đơn giản, màu sắc duy nhất một màu chàm thẫm (xanh đen). Nam và nữ giới cùng mặc áo cánh bốn thân xẻ ngực, cổ tròn có hai túi phía trước vạt áo và một chiếc thắt lưng bằng vải rộng bản quấn ngang eo.

du_lich_Sa_Pa_4

Múa quạt truyền thống của đồng bào người Tày

Vào các dịp lễ tết, hội hè thì người dân tộc Tày thường mặc thêm áo dài năm thân xẻ nách phải, đơm cúc vải hoặc cúc đồng. Phụ nữ thì đội khăn vuông gập chéo giống khăn mỏ quạ của người Kinh.

Về văn hóa nghệ thuật, người Tày có nhiều làn điệu dân ca hấp dẫn như hát lượn, hát khắp. Hát lượn thường diễn ra trong những đêm hội hè hay có khách từ phương xa đến. Hát khắp thì gần giống như hát quan họ vùng Bắc Ninh.

Đến Sa Pa, du khách thích khám phá nếp sinh hoạt của đồng bào Tày có thể đến thăm Bản Hồ, Bản Dền, Nậm Sài, Thanh Phú. Những vùng thung lũng màu mỡ với các con sông, con suối, nơi người dân thuận lợi đánh bắt cá và làm ruộng.

Tại đây, du khách được ngủ nhà sàn, ăn cá suối, thưởng thức thịt lợn “cắp nách”, gà bản nướng, được ngồi và xa quay sợi và tập làm đồ thổ cẩm với người dân tộc. Thưởng thức những điệu múa xòe, múa sạp do các cô gái Tày biểu diễn cũng là trải nghiệm khá thú vị.

2.4. Dân tộc Giáy

Dân tộc Giáy sống các vùng núi cực Bắc của Sa Pa như thung lũng Tả Van, Lao Chải. Người dân tộc này làm ruộng nước là chính, ngoài ra còn nuôi thêm nhiều trâu, ngựa, lợn, gà, vịt, có truyền thống dùng ngựa để cưỡi, thồ, dùng trâu kéo cày, kéo gỗ. Người Giáy nổi tiếng với nghề thủ công như đan lát, đóng đồ gỗ, làm bàn ghế trúc, làm gạch nung vôi, chưng cất dầu hồi.

du_lich_Sa_Pa_5

Các cô gái giáy được truyền dạy cách thêu thùa, làm quần áo từ nhỏ

Trang phục của dân tộc rất giản dị và ít thêu thùa, chủ yếu là những băng vải màu viền xung quanh cổ và vạt áo. Người phụ nữ thường quấn khăn thành nhiều kiểu không giống nhau, mặc loại áo ngắn xẻ nách viền cổ trang trí đậm nét, cổ đeo vòng bạc và đi giày thêu hoa văn phong phú.

Nam giới thì mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, đứng, cài cúc vải; thân áo hơi ngắn có màu chàm. Áo thường có ba túi, hai túi dưới, một túi trên bên phải và mặc quần ống đứng, cạp to bản.

Người Giáy sở hữu kho báu văn học, ca dao tục ngữ đa dạng, nhiều truyện cổ để phân tích và lý giải cho các hiện tượng tự nhiên. Nhiều truyện thơ dài, truyện kết hợp lời kể với lời hát, dân ca phong phú gồm nhiều bài, nhiều loại khác nhau. Các hình thức hát giao duyên nam nữ là sinh hoạt sôi nổi và hấp dẫn tại đây.

Ở người Giáy có ba kiểu hát mà họ gọi là “vươn” hay “phướn” hát bên mâm rượu, hát đêm và hát tiễn dặn… Muốn kết nối, liên hoan tiệc tùng cùng người Giáy, du khách có thể đi du lịch Sa Pa trong dịp đầu năm mới.

2.5. Dân tộc Xá Phó

Ở Sa Pa không có quá nhiều người Xá Phó sinh sống, họ thường cư ngụ tại các bản làng ở xã Nậm Sài phía nam huyện Sa Pa. Đây là vùng đất hẻo lánh, đường đi khó khăn nên ít tiếp xúc với những khu đông dân khác.

du_lich_Sa_Pa_6

Họa tiết thêu kết hợp với cườm được phụ nữ Xá Phó kết hợp hài hòa

Cũng giống với hầu hết các dân tộc ít người khác, người Xá Phó sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Đồng bào Xá Phó canh tác trên các ruộng nương, các ngọn đồi cùng nhau rất đoàn kết và gắn bó. Nhà truyền thống của người Xá Phó là nhà sàn có thêm các lán nhỏ để làm kho thóc. Ngoài làm nông, người dân còn nuôi gia súc, gia cầm, trồng bông dệt vải, đan lát mây tre để có thu nhập.

Người Xá Phó ở Sa Pa rất ít nhưng lại vô cùng hiếu khách và thân thiện. Nếu có cơ hội du lịch Sa Pa, du khách cũng có thể ghé thăm các bản làng của người Xá Phó để được nghe những điệu hát, điệu múa truyền thống của dân tộc ít người này qua những cô gái, chàng trai nơi đây.

3. Khám phá Tây Bắc qua các lễ hội văn hóa truyền thống

Các dân tộc Sa Pa hầu hết đều có tiếng nói riêng. Tuy vậy, khi du lịch và tham gia các lễ hội ở Sa Pa bạn không phải quá lo lắng về sự cách biệt ngôn ngữ vì đa số người dân đều có thể nói tiếng phổ thông. Thậm chí, bạn còn phải kinh ngạc về khả năng nói tiếng Anh của người dân nơi đây.

3.1. Lễ hội Gầu Tào của người H’Mông

Tất cả những tín ngưỡng về sinh hoạt vật chất, sinh hoạt tinh thần đều xoay quanh mối quan hệ gia đình, dòng họ, làng bản của người H’Mông và đều được tái hiện qua lễ hội Gầu Tào.

Người dân tổ chức lễ hội vào sáng mùng 1 Tết với ý nghĩa “cầu phúc – cầu mệnh”. Họ cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc và làm ăn sinh lời lãi.

Trước đây, lễ hội chỉ được tổ chức trong nội bộ gia đình. Cùng với sự phát triển của du lịch, ngày nay lễ hội đã được mở rộng thành lễ hội của toàn dân tộc.

3.2. Lễ hội Tết nhảy của người Dao Đỏ

du_lich_Sa_Pa_7

Nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Dao Đỏ

Lễ hội tết nhảy là nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Dao Đỏ ở Tả Van, huyện Sa Pa. Lễ hội được tổ chức duy nhất tại nhà ông trưởng họ ở bản Tả Phìn vào cuối giờ Thìn, đầu giờ Tỵ ngày mùng một và mùng hai Tết âm lịch hàng năm.

Các điệu nhảy mô tả những hành động không giống nhau và thường kể về truyền thống của dòng họ, công lao của tổ tiên. Trên tổng số 14 điệu nhảy độc đáo và đặc sắc, khách du lịch sẽ cảm nhận được rõ nhất nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Dao Đỏ.

3.3. Lễ hội xuống đồng ngày xuân của người Tày, Dao

Người Tày và người Dao thường tổ chức lễ hội xuống đồng ngày xuân vào ngày mùng 8 Tết hàng năm. Tại xã Bản Hồ khi này sẽ tổ chức các phần lễ như rước đất, rước nước, lễ cúng, cày đồng…

Ngoài ra, còn có phần hội với điệu múa xòe dập dìu, hoan nghênh du khách cùng tham gia trải nghiệm, thưởng thức những món ăn và mua một vài đặc sản về làm quà. Lễ hội tiếp thêm sinh lực mới cho người dân trong sản xuất và xây dựng, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

3.4. Lễ hội roóng poọc của người Giáy

Lễ Hội roóng poọc hay lễ hội xuống đồng là lễ hội truyền thống của người Giáy ở Tả Van. Tuy nhiên, nhiều năm nay đã lan rộng và trở thành lễ hội chung của cả vùng thung lũng Mường Hoa.

Theo quan niệm của người Giáy, lễ hội roóng poọc là để kết thúc một tháng vui chơi (tháng Tết) mở đầu cho năm mới lao động hăng say. Đồng thời, trong tư tưởng của người Giáy, đây còn là lễ cúng thần cai quản địa bàn để thần phù hộ cho ngô lúa tốt tươi, chăn nuôi phát triển, xóm làng bình yên, mọi người khoẻ mạnh.

3.5. Lễ hội quét làng của người Xá Phó

du_lich_Sa_Pa_8

Nét văn hóa độc lạ ở vùng núi Tây Bắc 

Lễ hội được tổ chức vào tháng 2 âm lịch nhằm cầu sự bình yên, gia súc khỏe mạnh và hoa màu tươi tốt. Ngày lễ này, bà con sẽ góp lợn, gà, chó, gạo… để làm mâm cúng, còn những người dân làng khác sẽ vẽ mặt nhảy múa cầu mong bình yên. Khách du xuân Sa Pa cũng có thể tham gia vào lễ hội này.

4. Du lịch trải nghiệm văn hóa bản làng ở Sa Pa

Bản sắc văn hóa riêng tại những ngôi làng cổ chắc chắn là điểm đến lôi cuốn những người có hứng thú với lịch sử lâu đời của các nhóm bộ lạc.

4.1. Bản Tả Phìn

Ngôi làng của người Dao Đỏ sở hữu nền văn hóa phong phú chưa bị tác động bởi cuộc sống hiện đại. Làng Tả Phìn luôn đông nghịt những người phụ nữ mặc quần áo truyền thống bên những cuộn chỉ và vải đầy màu sắc. Họ chủ yếu may vá túi, khăn quàng cổ, ví, váy, thậm chí cả ba lô và áo khoác để kiếm sống. Bạn có thể mua những sản phẩm với màu sắc tươi sáng và hoa văn khác nhau này về làm quà.

4.2. Bản Cát Cát

Ngôi làng nổi tiếng với sự tự nhiên của những cầu thang kéo dài dẫn đến thác nước tráng lệ có tên là Thác Tiên Sa. Dọc theo cầu thang, du khách sẽ được chào đón với các cửa hàng lưu niệm khác nhau được bán bởi người H'Mông. Thuê những chiếc váy H’Mông để bắt đầu hành trình ở bản làng này sẽ là một trải nghiệm khó quên.

4.3. Bản Lao Chải

du_lich_Sa_Pa_9

Lắng đọng tâm hồn trước vẻ đẹp hoang sơ, bình dị

Đến làng Lao Chải, quê hương của người H'Mông đen, du khách sẽ được chứng kiến ​​vẻ đẹp tuyệt vời của bức tranh toàn cảnh một ngôi làng làm nghề trồng trọt, dệt vải và chăn nuôi. Người dân nơi đây khá thân thiện, sẽ mời bạn các món thắng cố, rượu ngô hay thịt trâu gác bếp. Họ cũng sẵn sàng trả lời các câu hỏi của bạn về văn hóa và phong tục địa phương.

4.4. Bản Ý Linh Hồ

Bản Ý Linh Hồ được bao bọc bởi dãy núi Hoàng Liên Sơn và hệ thống ruộng bậc thang, các dãy núi cùng những mái nhà sàn tre mộc mạc của đồng bào dân tộc nơi đây. Bản làng mang đậm màu sắc và phong cách truyền thống dân tộc H ’ Mông đen. Dân cư ở đây khá thưa thớt với khoảng vài trăm người.

4.5. Bản Tả Van

Ngôi làng nằm yên bình trong thung lũng Mường Hoa. Cư dân chủ yếu là người dân tộc H'Mông, Giáy và Dao Đỏ với khoảng 1.000 người. Khách tham quan sẽ phải đi qua một con đường nhỏ và hẹp, được bao quanh bởi những thửa ruộng bậc thang màu mỡ được tô điểm bởi màu xanh của ngô và lúa.

du_lich_Sa_Pa_10

Chốn núi rừng hoang sơ mang vẻ đẹp tựa tiên cảnh

Nếu đến đúng mùa, du khách có thể thưởng thức các món ăn đặc biệt của dân tộc Giáy như cá nướng Mường Hum, thịt ngựa Mường Khương và xôi Văn Ban.

5. Tour du lịch khám phá văn hóa địa phương tại Sa Pa

Bạn muốn tìm hiểu thêm về nét đẹp trong phong tục tập quán của dân tộc vùng cao Sa Pa, hãy tham gia chuyến du lịch Hà Nội – Sa Pa (3N2Đ) của Adavigo để tận hưởng một hành trình đầy thú vị!

👉 Liên hệ ngay Adavigo qua hotline 0936 191 192 để được tư vấn và đặt phòng khách sạn với giá tốt nhất.

------------------------

ADAVIGO - Xứng tầm đẳng cấp

🌐 https://adavigo.com/

🏤Hà Nội: Số 289A Khuất Duy Tiến, Q. Cầu Giấy

🏤Phú Quốc: Số 72 Trần Hưng Đạo, P.Dương Đông

🏤Hồ Chí Minh: Số 138 Lê Văn Sỹ, P. 10, Q. Phú Nhuận

🎯Nhóm Zalo dành cho đối tác: https://zalo.me/g/ivhaaw996

📲Hotline 24/7: 0936 191 192